Bất động sản BLÓG

Bất động sản, thông tin thị trường, giá cả, biến động và xu hướng mới nhất của thị trường bất động sản

Nóng trong tuần: Chủ tịch Hà Nội ra 'tối hậu thư' cải tạo tập thể 'nát'

Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ nứt cao tốc Nội Bài – Lào Cai, “Thượng đế” dự án Petrolandmark “ngồi trên đống lửa”, Hà Nội xin Chính phủ nhiều cơ chế đặc biệt.. là những tin tức bất động sản nổi bật trong tuần cuối tháng 9.

Dự án Petrolandmark, “thượng đế” ngồi trên đống lửa

Bỏ ra cả tỷ đồng những mong được sở hữu “căn hộ trong mơ” nhưng hơn 4 năm qua, hàng trăm khách hàng của Dự án Petrolandmark (phường An Phú, quận 2, TP. HCM) vẫn chưa nhận được nhà. Theo phản ánh của một số khách hàng, vào khoảng đầu quý II/2011, họ ký hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư. Theo cam kết trong hợp đồng, chậm nhất là cuối năm 2011, chủ đầu tư tiến hành bàn giao nhà. Hồi đầu, chủ đầu tư còn khất lần khất lượt, nhưng đến giờ thì họ không còn hẹn ngày bàn giao.

Bốn năm qua, hàng trăm khách hàng mua căn hộ Dự án Petrolandmark nhiều lần căng băng rôn, khẩu hiệu trước trụ sở chủ đầu tư để đòi nhà, cũng như “đội đơn” tố cáo chủ đầu tư suốt từ Nam chí Bắc, nhưng mọi sự chẳng có chuyển biến gì.



Khách hàng Dự án Petrolandmark giăng băng rôn đòi nhà - Ảnh: Tăng Triển


Petrolandmark gây tai tiếng trên thị trường như vậy, nhưng đến nay, ai là chủ đầu tư thực sự của dự án vẫn là điều nhiều người thắc mắc. Ngay cả người trong cuộc, những khách hàng của dự án này, khi trò chuyện với phóng viên Đầu tư Bất động sản, cũng tỏ ra khá mơ hồ về chủ đầu tư, người bảo đó là CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL), người lại nói đó là CTCP Bất động sản xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land). Tìm hiểu mới thấy, quả thực, pháp nhân tham gia dự án này cũng hết sức lằng nhằng.

Các “Thượng đế” như ngồi trên đống lửa, còn chủ đầu tư thì thản nhiên công bố: hết vốn và nợ nần! Không chỉ chủ đầu tư không có khả năng tài chính để hoàn thiện, mà thủ tục pháp lý của dự án cũng chưa được hoàn thiện. Mặc dù được xây dựng bề thế với 4 tòa cao ốc từ 17 - 21 tầng, nhưng Dự án vẫn chưa đóng tiền sử dụng đất. Có thể thấy, những rủi ro mà khách hàng Petrolanmark phải đối mặt là rất lớn.

Hà Nội xin Chính phủ nhiều cơ chế đặc biệt

Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách đầu tư cho các công trình trọng điểm của Thủ đô, Hà Nội đã đề nghị Ngân sách Trung ương xem xét, hỗ trợ cho Thành phố một số công trình, dự án quan trọng về môi trường, giao thông, thủy lợi có quy mô lớn do Thành phố quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương theo nguyên tắc đã quy định tại Luật Thủ đô.

Hà Nội kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định liên quan đến chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Về vấn đề này, ngày 2/10, trong báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn thay mặt Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định liên quan đến chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn Thành phố.




Thành phố cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định, giao các cơ sở nhà đất sau khi thực hiện sắp xếp cho Thành phố để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.

Ngoài ra, đối với thực hiện hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp với quy hoạch, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ tối đa 50% tiền sử dụng đất thu được tại vị trí cũ để đầu tư các dự án tại cơ sở mới, phần còn lại ngân sách các địa phương được hưởng để đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự án.

Cũng liên quan đến vấn đề chính sách, Hà Nội đề xuất nghiên cứu, bổ sung Khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô về lĩnh vực quảng cáo, xây dựng… nhằm giải quyết một số bức xúc về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội như: nâng mức phạt tiền đối với hành vi quảng cáo, viết vẽ bên ngoài nhà ở trái quy định, phóng uế bừa bãi, xả rác thải, nước thải, khí thải… gây ô nhiễm môi trường.

Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ nứt cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Liên quan đến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai xuất hiện vết nứt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xác định rõ nguyên nhân vết nứt trên mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông và ổn định cho công trình (kể cả các đoạn đường khác có nền đất yếu).

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xác định rõ nguyên nhân vết nứt trên mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông và ổn định cho công trình



Trước sự cố này, đơn vị Chủ đầu từ là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lý giải nguyên nhân do nền đất yếu, cộng với ảnh hưởng của mưa bão (cơn bão số 2 và 3).

Ngày 26/9 vừa qua, Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố vết nứt tại km83 trên mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, vị trí vết nứt trên mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại Km 83 với chiều dài 73 m là một trong 10 đoạn xung yếu trên toàn tuyến, trước khi thông xe đã được chủ đầu tư tổ chức họp báo công bố công khai minh bạch ngày 17/9. Nội dung công văn khẳng định, vết nứt mặt đường tương đối lớn là bất thường.

Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Báo cáo đầu tư) như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Sân bay có công suất khai thác đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm (đến hết năm 2030); trong đó giai đoạn I (đến năm 2025), hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm hỗ trợ giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được đầu tư xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích giải phóng mặt bằng là 5.000 ha. Khái toán tổng mức đầu tư toàn bộ giai đoạn 1 khoảng 7,837 tỷ USD.

Chủ tịch Hà Nội ra 'tối hậu thư' cải tạo tập thể 'nát' Nguyễn Công Trứ

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa đưa ra kết luận về cơ chế thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tòa nhà N3 tập thể Nguyễn Công Trứ được vay vốn ưu đãi để hoàn thành trong tháng 9/2015 (Ảnh IT)



Để tháo gỡ những vướng mắc ông Thảo yêu cầu Sở Xây dựng cùng các đơn vị rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thay cho quyết định 48 ban hành năm 2008. Trong quá trình sửa đổi, nhà N3 tập thể Nguyễn Công Trứ vẫn được tiến hành, còn các tòa nhà khác sẽ được áp dụng chính sách mới.

Nhằm giải quyết bài toán vốn, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Qũy đầu tư phát triển TP bố trí vốn cho chủ đầu tư vay để xây dựng nhà N3 với lãi suất ưu đãi. Chủ đầu tư có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành và bàn giao căn hộ cho người dân tái định cư trong tháng 9/2015.

Nhà trái phép: Không cho nộp phạt để tồn tại

Bộ Xây dựng vừa có công văn 2316/BXD-TTr hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 121/2013/NĐ-CP và Thông tư 02/2014/TT-BXD về việc nộp phạt để tồn tại nhà xây trái phép.

Theo đó, Bộ chỉ áp dụng quy định nộp phạt bằng tiền đối với nhà xây sai phép, không phép khi thỏa mãn tất cả các điều kiện: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đã đưa vào sử dụng.

Nghị định chưa quy định cụ thể về thời điểm xác định hành vi vi phạm được phép áp dụng quy định này. Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ áp dụng quy định này với các trường hợp thỏa mãn điều kiện nộp phạt trước ngày Nghị định 121có hiệu lực, nghĩa là trước ngày 30/11/2013.

Bộ Xây dựng quy định Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND cấp huyện đều có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người sẽ do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

Nhật Minh(Tổng hợp)