Bất động sản BLÓG

Bất động sản, thông tin thị trường, giá cả, biến động và xu hướng mới nhất của thị trường bất động sản

Những quy định "trên mây" của Bộ Xây dựng

Cấm nhà nhại kiến trúc Pháp, cấm nhà ở kinh doanh nhà nghỉ, văn phòng, kinh doanh... là những quy định chết yểu trên giấy gây xôn xao dư luận.

Trong năm 2013, nhiều đề xuất mới của cơ quan chức năng được công bố khiến không ít người ngã ngửa. Nhận được phản ứng không tích cực từ phía dư luận, những dự thảo này đã nhanh chóng bị gạch bỏ.

Từ lỗi đánh máy

“Không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu”, đó là lưu ý của Bộ Xây dựng trong công văn ngày 23/5 gửi các tỉnh, thành phố. Công văn yêu cầu kiểm soát chất lượng thiết kế công trình (đặc biệt là các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước) phải kế thừa phát huy các giá trị truyền thống, đảm bảo mỗi đô thị có ngôn ngữ kiến trúc riêng phù hợp với điều kiện cảnh quan, môi trường tự nhiên, tập quán văn hóa của các vùng miền. Bộ Xây dựng đặc biệt nhấn mạnh, “không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu”.

Ngay sau khi công văn ra đời đã nhận được không ít phản ứng từ phía dư luận và cho rằng các công trình kiến trúc cổ điển Pháp đã gắn bó với đời sống người dân hơn 100 năm nên việc cấm đoán như vậy là không hợp lý. Nếu Bộ ban hành một quy định như vậy sẽ hết sức bất cập, gây nhiều phiền hà cho các công trình đã, đang và dự kiến triển khai.


Quy định cấm xây biệt thự nhại kiểu Pháp nhầm do in ấn. (Ảnh:D.A)

Ba tuần sau, ngày 13/6, cơ quan này ban hành công văn 185/BXD-VP gửi các tỉnh, thành phố trong đó nêu rõ: “Để nâng cao chất lượng về công tác quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị, ngày 23/5/2013 Bộ Xây dựng đã ban hành công văn số 942/BXD-KTQH về việc thực hiện công tác quản lý chất lượng kiến trúc công trình trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình in ấn có sự sai sót”.

Bộ yêu cầu bỏ đi nội dung “Lưu ý: Không xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu” đã được nêu ở công văn trước.

Tới quy định cấm rồi bỏ

Mới đây, dự thảo luật nhà ở sửa đổi vừa được công bố, trong đó đáng lưu ý, dự thảo nghiêm cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích như: kinh doanh gas; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ; dịch vụ karaoke hoặc các hoạt động bị cấm khác theo quy định của pháp luật; sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích bị cấm theo quy định của Chính phủ...

Ít lâu sau, Tổ biên tập dự án Luật Nhà ở sửa đổi (Bộ Xây dựng) đã quyết định rút lại quy định này. Theo lý giải, có đề xuất này là nhằm bảo đảm nhà ở được sử dụng đúng mục đích, hạn chế các hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của người dân trong khu vực lân cận.


Nhiều khu phố nhà nghỉ thoát án tử hình. (Ảnh:D.A)

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các ý kiến góp ý của nhân dân và của các cơ quan báo chí, Tổ biên tập nhận thấy, trong tình hình thực tế của nước ta hiện nay, việc cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích như trên là chưa thực sự hợp lý. Vì vậy Tổ biên tập sẽ nghiên cứu và tiếp thu để chỉnh sửa dự thảo cho phù hợp.

Hơn hai năm trước, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành một văn bản trong đó yêu cầu các địa phương nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng vì những quan ngại về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, xáo trộn cuộc sống các cư dân trong toà nhà. Quy định này sau đó đã nhận được phản đối của khá nhiều chuyên gia, dư luận vì cho rằng thiếu tính thực tế và khó kiểm soát.

Một đề xuất trên giấy khác cũng khó khả thi và đã được bãi bỏ là cấm mua nhà bằng tiền mặt. Sau nhiều tranh cãi, quy định như giao dịch bất động sản đã được bãi bỏ. Dự thảo mới chỉ yêu cầu tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán.

Đầu tháng 1, khi Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Nghị định, không ít người dân và cả chuyên gia bày tỏ lo ngại với phương án bắt buộc thanh toán qua ngân hàng khi mua nhà ở. Lo ngại chủ yếu liên quan đến việc nhiều địa phương, hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt còn chưa phát triển còn nhiều người dân thì hoài nghi về năng lực của hệ thống ngân hàng khi chất lượng còn chưa tương xứng với kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, những quy định “rập rình kiểu mèo vờn chuột” gây hoang mang của cơ quan chức năng rồi phải đính chính, rút lại thể hiện sự không bài bản trong công tác quản lý nhà nước, làm giảm uy tín của đơn vị soạn thảo. Thay vì ngồi bàn giấy nghĩ ra những quy định mới, những đơn vị này cần có những điều tra, khảo sát thực tế để đưa ra những điều phù hợp với đời sống dân sinh.

Nguồn: Vietnamnet.vn