Bất động sản BLÓG

Bất động sản, thông tin thị trường, giá cả, biến động và xu hướng mới nhất của thị trường bất động sản

Nhà thu nhập thấp bị trả hàng loạt

Nhiều khách hàng xin trả lại nhà thu nhập thấp, bức xúc mặt bằng, siêu dự án Tây Hồ Tây xin “cơ chế đặc thù”, chủ đầu tư thế chấp dự án căn hộ đã bán cho dân, đòi lại tiền góp vào dự án Tháp Doanh nhân… là những tin BĐS nóng nhất tuần qua.

Nhiều khách hàng xin trả lại nhà thu nhập thấp

Trái ngược với tình trạng người dân chen nhau nộp hồ sơ đăng ký mua trước đây, giờ đây những dự án nhà thu nhập thấp đang ế, vắng khách mua. Một vấn đề đáng lưu tâm hơn nữa là, xuất hiện tình trạng nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà gần đây bỗng dưng... xin trả lại nhà.



Dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) do Công ty CP Bêtông Xuân Mai (Vinaconex Xuân Mai) làm chủ đầu tư. Thời điểm này dự án đã bàn giao nhà và đưa vào sử dụng 3 tòa chung cư cao 19 tầng, với hơn 860 căn hộ. Tiếp nối thành công từ dự án thí điểm nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) nên dự án Kiến Hưng của Vinaconex Xuân Mai cũng được rất nhiều khách hàng quan tâm.

Tìm hiểu từ Vinaconex Xuân Mai, đơn vị chủ đầu tư thì mặc dù đã bàn giao nhà từ đầu năm 2013 đến nay nhưng số người dọn đến ở mới chưa đầy 80%. Việc nhiều khách hàng chậm đến nhận bàn giao nhà, vào ở còn có thể giải thích được vì nhiều lý do như kiêng kị, ổn định công việc, chỗ học hành của con cái… Tuy nhiên, từ khi bàn giao nhà đến nay đã có nhiều khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng.

Theo thông tin từ chủ đầu tư, tính tổng số những khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng tại dự án Kiến Hưng này từ trước tới nay là trên 30 người.

Bức xúc mặt bằng, siêu dự án Tây Hồ Tây xin “cơ chế đặc thù”

Mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã nhận được văn bản của Công ty TNHH Phát triển T.H.T - chủ đầu tư dự án khu đô thị Tây Hồ Tây - báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng khu trung tâm dự án này.




Đáng chú ý, trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, T.H.T cho rằng, do sự thiếu chủ động, tích cực và trì trệ của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội, đến nay, công ty vẫn chưa nhận được “mặt bằng sạch” để triển khai thi công dự án theo chỉ đạo của thành phố.

Cùng với những phản hồi nói trên, phía T.H.T cũng đề xuất một số cơ chế “đặc thù” để có thể nhận được mặt bằng sạch ngay trong tháng 9/2013.

Cụ thể, theo phía T.H.T, sau khi tiến hành lễ động thổ dự án vào tháng 11/2012, doanh nghiệp này đã “chuẩn bị sẵn sàng” 200 triệu USD để đầu tư thêm vào dự án trong năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công ty vẫn chưa thể có mặt bằng để triển khai dự án theo kế hoạch.

Theo T.H.T, ngoài một số nguyên nhân khách quan, việc chậm bàn giao mặt bằng là do sự thiếu tích cực của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, lập phương án bồi thường để trình UBND huyện phê duyệt.

Để đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng cho dự án, T.H.T đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời có cơ chế đặc thù để công ty có mặt bằng sạch nhanh chóng.

HUD bị tố “ngáng chân” DN làm nhà ở xã hội

Được động thổ từ ngày 28/5, nhưng đến nay, Dự án Nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm do CTCP BIC Việt Nam và Tổng CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư vẫn không thể triển khai xây dựng. Nguyên nhân được BIC Việt Nam lý giải là do chính đơn vị đồng chủ đầu tư không đồng ý bàn giao mặt bằng.

Nhưng lạ hơn là sau quyết định giao đất của UBND Thành phố đúng 1 tháng, thay vì có thể triển khai Dự án, ngày 19/8/2013, CTCP BIC Việt Nam có công văn gửi hàng loạt cơ quan, gồm Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, UBND quận Hoàng Mai… phản ánh việc đồng chủ đầu tư HUD cũng là đơn vị giữ đất không chịu bàn giao mặt bằng.



Trao đổi với báo chí, một đại diện CTCP BIC Việt Nam cho biết, ngay sau khi UBND Thành phố Hà Nội có quyết định giao đất, đơn vị này đã nhiều lần có văn bản gửi HUD về việc tạo điều kiện bàn giao đất thực hiện Dự án. Song lấy lý do chưa được Thành phố hoàn trả tiền mặt bằng, HUD đã không chịu giao đất và liên tục gây khó cho đơn vị chủ đầu tư trong việc khoan khảo sát tại Dự án.

Thế chấp dự án căn hộ đã bán cho dân: Mánh lừa đảo của chủ đầu tư

Dự án đã bán, thậm chí đã giao nhà cho khách hàng cũng bị nhiều chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm làm sổ hồng tại nhiều dự án hiện nay.

Những khách hàng mua đất tại dự án khu biệt thự Tuyết Anh (H.Củ Chi, TP.HCM) do Công ty địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư bị một phen thót tim khi đất của họ bị công ty này đem đi thế chấp tại NH. Bà Lê Thúy Tươi, chủ căn biệt thự A11, cho biết Công ty Hoàng Quân đã bán 29 nền biệt thự cho khách hàng từ năm 2003. Tháng 7.2006, các lô đất đã được cấp sổ đỏ nhưng đứng tên chủ đầu tư. Đến nay các khách hàng đã xây nhà, hoàn công và đóng toàn bộ tiền cho công ty.

Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục làm sổ hồng thì người dân phát hiện Công ty Hoàng Quân đã thế chấp sổ đỏ cho NH.



Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân khiến người dân ở chung cư này phải đợi sổ hồng quá lâu là chủ đầu tư đã đem toàn bộ khu đất của dự án và cả những căn hộ của khách hàng thế chấp tại NH Vietbank từ năm 2010. Tháng 12.2011 công ty này tiếp tục thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, tức là các căn hộ đã bán cho khách hàng. Đến tháng 4.2013, công ty này mới ký lại hợp đồng với Vietbank sửa đổi tài sản thế chấp. Theo đó, công ty chỉ thế chấp phần tài sản hình thành trong tương lai gồm tầng 1, 2 của lô B khoảng hơn 5.000 m2 và các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản thế chấp.

Theo hồ sơ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Sở TN-MT) cung cấp cho PV, hiện có nhiều chủ đầu tư khác cũng đem thế chấp đất dự án, thậm chí cả căn hộ của khách hàng, để vay tiền.

Đòi lại tiền góp vào dự án Tháp Doanh nhân

Phát hiện Tháp Doanh nhân tại số 1 Thanh Bình (Hà Đông, Hà Nội) bị “trảm” vì không có giấy phép xây dựng, người dân tá hỏa đi đòi lại tiền.



Tổ chức lễ khởi công xây dựng Tháp Doanh nhân vào tháng 1/2010 rầm rộ đã hút được hàng trăm tỷ đồng của người dân, nhưng cho đến nay, công trình này vẫn nằm bất động vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa có giấy phép xây dựng. Tháp Doanh nhân được xác định thuộc Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô (Công ty Tây Đô) thuộc Công ty CP Tập đoàn Anh Quân Strong số 1 Thanh Bình (Hà Đông).

Sau khi sự việc vỡ lở, nhà đầu tư, người dân đã đến tìm gặp lãnh đạo Công ty Tây Đô để giải quyết các điều khoản trong hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, đã nhiều lần làm việc, nhưng nhà đầu tư, người dân đều không được Công ty Tây Đô giải quyết thỏa đáng, hoặc giải thích vòng vo khiến người dân rất bức xúc. Cực chẳng đã, người dân đành phải gửi đơn thư tố cáo Công ty Tây Đô tới các cơ quan báo chí về việc làm vi phạm các điều khoản trong hợp đồng góp vốn.

Đà Nẵng: Bàn giao lại căn hộ chung cư nếu bỏ trống hoặc cho người khác ở nhờ

Ngày 30/8 là thời hạn cuối để các chủ hộ thuê chung cư thuộc sở hữu Nhà nước ở Đà Nẵng mà không sử dụng hoặc cho người khác ở nhờ thì phải bàn giao nhà cho thành phố.



Nếu không chấp hành sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi căn hộ theo quy định của pháp luật. Các trường hợp có đơn xin cứu xét, đề nghị gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp nội dung báo cáo HĐND thành phố.

Đối với các trường hợp có biểu hiện ở đối phó, Công ty Quản lý nhà chung cư có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thường xuyên, báo cáo HĐND và UBND thành phố để xem xét, quyết định việc tiếp tục cho thuê chung cư.

Hoàng Anh(tổng hợp)
Tags: SaiGon Pearl,Rent SaiGon Pearl, SaiGon Pearl for rent, The ManorThe Manor for rent, The Manor HCM, Rent The Manor