Bất động sản BLÓG

Bất động sản, thông tin thị trường, giá cả, biến động và xu hướng mới nhất của thị trường bất động sản

Lilama phải thoái vốn khỏi địa ốc, ngân hàng

Bộ xây dựng yêu cầu Lilama phải thoái vốn tại 15 đơn vị, trong đó có Ngân hàng SHB, Bảo hiểm Hàng không và một số công ty bất động sản.

Bộ Xây dựng vừa có quyết định tái cấu trúc Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) giai đoạn 2012 đến 2015. Theo đó, cơ quan quản lý xác định ngành, nghề kinh doanh chính của tổng công ty này bao gồm tổng thầu EPC, cơ khí, chế tạo, tư vấn dự án. Ngoài ra, Lilama được phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh liên quan là xuất nhập khẩu, cho thuê máy móc thiết bị.

Cơ quan này yêu cầu Lilama phải thoái vốn khỏi 15 công ty, trong đó có tới 6 đơn vị thuộc ngành thủy điện và xi măng. Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo Lilama phải tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ chậm nhất trước năm 2016, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Bên cạnh đó, tổng công ty phải giảm tỷ lệ sở hữu tại một số doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp Lilama nắm giữ trên 75% vốn điều lệ, gồm: Công ty cổ phần Lisemco, Công ty cổ phần Lilama 10; 69-1; 69-2; 69-3; 18; 45-1 và Công ty Cổ phần Tư vấn quốc tế LHT. Một số doanh nghiệp khác Lilama sẽ nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên như: Công ty cổ phần Lilam 3; 5; 7; 45-3...

Trước đó, đánh giá về thực trạng của Lilama hiện nay, Bộ Xây cho rằng tài chính của Tổng công ty đang khó khăn, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao. Bên cạnh đó, những đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn chủ sở hữu, tồn tại một số khoản phải thu khó đòi…
Các công ty mà Lilama phải thoái vốn gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Bảo hiểm Hàng Không, Công ty cổ phần Tôn mạ màu Việt Pháp, Lilama Hà Nội, Thủy điện Sông Vàng, Thủy điện Sông Ông, Thủy điện Hủa Na, Xi măng Sông Thao, Xi măng Đô Lương, Xi măng Thăng Long, Lilama Land, Cơ điện Môi trường Lilama, Cảng và Vận tải Lilama, Tư vấn thiết kế xây dựng và Công nghệ Lilama, Chế tạo giàn khoan Dầu khí.

Ngọc Minh