Bất động sản BLÓG

Bất động sản, thông tin thị trường, giá cả, biến động và xu hướng mới nhất của thị trường bất động sản

“Khó khăn 2012 là cơ hội nhìn nhận lại những thiếu sót”

(CafeF)Năm 2012 là một năm khó khăn với ngành xây dựng, tuy nhiên, ngành vẫn đạt giá trị sản xuất xây dựng tăng 9,6% so với 2011 ước đạt 720.170 tỷ đồng.



Ngày 11/1/2013, Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với 19 hiệp hội nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Năm 2012 ngành xây dựng tiếp tục đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, các nguồn lực đầu tư tiếp tục giảm mạnh, thị trường trong nước và xuất khẩu thu hẹp, lượng hàng tồn kho cao, nợ đọng trong XDCB tăng, thị trường BĐS chưa có khả năng phục hồi, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn…”

Tuy nhiên, kết thúc năm 2012, mặc dù ngành xây dựng phải đối với nhiều khó khăn và thách thức, ngành vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, giá trị sản xuất xây dựng của cả nước ước đạt 720.170 tỷ đồng, tăng 9,6% so với 2011, trong đó khu vực nhà nước đạt khoảng 112.918 tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước đạt 583.136 tỷ đồng, khu vực vốn nước ngoài đạt 24.116 tỷ đồng.

Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng năm 2012 ước đạt 179.301 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2011, tương đương 6,1% GDP cả nước…

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, mặc dù còn nhiều khó khăn, mức tăng trưởng của các DN sụt giảm, nhưng ngành Xây dựng đã có những dấu hiệu khởi sắc. Những khó khăn của năm 2012 cũng chính là cơ hội để nhìn nhận lại những thiếu sót, yếu kém còn tồn tại, rút ra những bài học, kinh nghiệm, là thời cơ để tái cơ cấu các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

Năm 2013, nhiệm vụ chủ yếu của ngành tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát trong đầu tư xây; tập trung đổi mới nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát chặt các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; tập trung giải quyết tình trạng đóng băng thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN…

Bộ trưởng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị nhằm điều chỉnh tổng thể các vấn đề trong quản lý đầu tư phát triển đô thị, từng bước lập lại trật tự phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, có lộ trình 5 năm, 10 năm, khắc phục tình trạng phát triển đô thị tự phát, phong trào, thiếu quy hoạch, kế hoạch, lãng phí nguồn lực xã hội như hiện nay…

Đối với lĩnh vực nhà ở, Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã và đang đi vào cuộc sống. Theo đó việc phát triển nhà ở không chỉ theo cơ chế thị trường mà Nhà nước có trách nhiệm can thiệp hoặc hỗ trợ để người dân có nhà ở, đặc biệt là những đối tượng thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà theo cơ chế thị trường…

Kiều Thuật
Tags:  Dich vu ve sinh NVD