Bất động sản BLÓG

Bất động sản, thông tin thị trường, giá cả, biến động và xu hướng mới nhất của thị trường bất động sản

Địa ốc mượn cao tốc, metro để kích cầu

Nhiều dự án nhà ở tại TP HCM vẫn tung hàng rầm rộ dù bất động sản chưa thật sự thoát khỏi khó khăn. Theo các chuyên gia, sự bùng nổ các công trình trọng điểm có tổng vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng đã tiếp thêm tự tin cho các chủ đầu tư.
Thống kê của VnExpress.net, 3 khu vực có hạ tầng phát triển vũ bão tại TP HCM giai đoạn 2010-2020 là khu Đông TP HCM, khu Nam Sài Gòn và Tây Bắc thành phố với tổng số vốn đầu tư cho các dự án cầu đường huyết mạch lên đến khoảng 350.000 tỷ đồng. Hạ tầng công bố và triển khai đến đâu thì các dự án bất động sản bám theo bung hàng đến đó. Đại gia địa ốc dẫn đầu, theo sau là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khu vực đang sôi động nhất là trục phía Đông TP HCM bao gồm khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, 9, Thủ Đức có sự kết nối đồng bộ với trục phía Tây Sài Gòn và các đường vành đai, cao tốc liên vùng. Giai đoạn 2012-2020, khu Đông của TP HCM có 11 dự án hạ tầng lớn nhỏ, tổng kinh phí thực hiện lên đến gần 250.000 tỷ đồng, trong đó khủng nhất là các tuyến vành đai 2, 3, 4 và tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Nhờ cú hích hạ tầng này mà lượng dự án bất động sản tại các quận 2, 9, Thủ Đức và khu đô thị Thủ Thiêm đua nhau công bố thông tin, xây dựng và mở bán.

Đơn cử như Novaland đang phát triển dự án khu căn hộ Lexington Residence tại An Phú, quận 2. Dự án tọa lạc ngay mặt tiền đại lộ Mai Chí Thọ, cách cầu Sài Gòn 3 km và trung tâm quận 1 khoảng 5 phút qua hầm Thủ Thiêm. Theo chủ đầu tư, hơn 70% trên tổng số căn hộ đã được đặt mua từ đầu năm đến nay. Mỗi căn giá từ 1,3 tỷ đồng và tặng kèm gói nội thất 100 triệu đồng.

Công ty địa ốc Đại Quang Minh công bố dự án khu đô thị nằm ngay trung tâm Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng. Thủ Đức House có quỹ đất dồi dào nhất nhì khu vực quận Thủ Đức trong khi Khang Điền lại chọn quận 9 để phát triển 4 dự án nhà ở gắn liền với đất. Các doanh nghiệp Kiến Á, Nam Long, Keppel Land, Gia Hòa, Phú Nhuận, Eden... cũng tranh thủ quỹ đất khu này để giành thị phần. Dự án Minh Tuấn của Công ty An Phú cũng chào bán hết hơn 80% nền đất đợt cuối trong quý III.



Bất động sản TP HCM đang dựa hơi các công trình hạ tầng nghìn tỷ làm đòn bẩy kích cầu. Ảnh: Vũ Lê

Khu Nam TP HCM gồm quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ cũng có không ít công trình hạ tầng khủng triển khai giai đoạn 2010-2020. Nguồn vốn kết nối hạ tầng khu vực này ước tính gần 50.000 tỷ đồng, chưa kể đến một phần dự án vành đai 4 và dòng vốn của Phú Mỹ Hưng xây dựng gần như hoàn chỉnh hạ tầng nội khu. Các dự án: khép kín đường Vành đai 2, cảng Phú Định, cầu đường Bình Tiên và cầu Bình Khánh chiếm tỷ lệ vốn nhiều nhất trục phía Nam.

Dù thị trường địa ốc khó khăn nhưng nhờ hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện nên quý nào Phú Mỹ Hưng cũng mở bán dự án và thu hút sự quan tâm của khách hàng. Một ông trùm địa ốc khác ở khu Nam Sài Gòn là Hoàng Anh Gia Lai nhiều năm liền xả hàng thành công phân khúc nhà ở bình dân, vừa bán sỉ lẫn bán lẻ trong suốt 9 tháng qua. Mới đây, Phát Đạt cũng vừa bán sỉ dự án Everich 3 thu về gần 400 tỷ đồng nhờ hạ tầng dự án kết nối hoàn thiện.

Trong khi đó, thông tin về cao tốc Bến Lức - Long Thành có thể thay đổi thói quen di chuyển qua khu vực này. Đường Nguyễn Hữu Thọ thành trục Bắc Nam kết nối với trung tâm thành phố, các đường vành đai và hệ thống cao tốc gắn kết đô thị vệ tinh, cụm đô thị cảng, sân bay quốc tế Long Thành.

Thuộc cụm dự án bất động sản tại trục Nguyễn Hữu Thọ là căn hộ cao cấp The Park Residence được thiết kế, xây dựng theo phong cách nghỉ dưỡng Singpore với hệ thống tiện ích khép kín cùng hồ bơi chân mây rộng 2.000 m2. Nơi đây có khu vực BBQ ven sông và cạnh hồ bơi, sân thể thao đa năng, đường chạy jogging, phòng gym, yoga...

Đại diện Công ty MIK Corporation - đơn vị phát triển dự án The Park Residence chia sẻ, mỗi căn hộ giá 1,2 tỷ đồng, gồm hai phòng ngủ và gần 4 tháng qua đã bán 500 căn.

Cũng nằm trên trục Nam của TP HCM nhưng hướng về cửa ngõ miền Tây, các công trình hạ tầng cũng hút nhiều dự án bất động sản.

Một trong số đó là dự án đất nền Tân Tạo Garden do Công ty Danh Khôi Á Châu độc quyền phân phối, giá từ 8,5 triệu đồng một m2. Dự án nằm trong chiến lược phát triển đô thị Tây Sài Gòn của UBND thành phố, liền kề với điểm đầu của tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, trạm điều hành - bảo dưỡng của nhà ga Metro, khu đô thị trung tâm Tây Sài Gòn 320ha, Aeon Mall, bệnh viện Chợ Rẫy 2, bệnh viện Nhi Đồng 3...

Theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty Danh Khôi Á Châu, với tốc độ phát triển dân cư, tiện ích, cộng với tiềm năng khu đô thị cửa ngõ phía Tây, nhà đầu tư có thể nhìn thấy suất sinh lời khi bỏ tiền vào đây. Thông tin các cơ quan quản lý không cấp phép cho dự án có diện tích dưới 20ha trên địa bàn khu Tây Sài Gòn trong tương lai cũng khiến giới đầu tư nao núng.

Riêng Công ty Nam Long đã sớm định vị dự án khủng đón đầu tuyến vành đai 4 giai đoạn 2013 - 2015 có tổng vốn đầu tư 3.153 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chuẩn bị khu đô thị quy mô 493 hecta, trong đó có hơn 100 hecta phát triển sản phẩm căn hộ nhỏ Ehome và nhà phố thương mại Nam Long. Ngoài ra, đại gia phát triển nhà giá rẻ của TP HCM còn đón đầu tuyến metro số 3 giai đoạn 2016-2020 (vốn 1,5 tỷ USD), kết nối Bến Thành và TP Tân An. Nhà ga của tuyến metro này có trạm đặt tại khu đô thị Nam Long.

Tuy bị xếp là vùng ven nhưng các trục giao thông phía Tây Bắc Sài Gòn tại các quận Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi cũng được nâng cấp mạnh mẽ. Giai đoạn 2010-2020 khu này sẽ hút dòng vốn 48.000 tỷ đồng cho nhiều công trình trọng điểm. Đó là tuyến Metro số 2 (Tân Phú) huy động khoảng 1,3 tỷ USD; mở rộng đường xuyên Á (Củ Chi) vốn đầu tư hơn 13.500 tỷ đồng; cầu vượt quốc lộ 1A (Bình Tân) và nâng cấp tỉnh lộ 9 tổng cộng hút 1.000 tỷ đồng; nâng cấp sửa chữa tỉnh lộ 15 ước tính khoảng 5.900 tỷ đồng.

Một trong những doanh nghiệp đầu tư bài bản, quyết bám khu này để đón lợi thế hạ tầng là Công ty Bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (vốn Malaysia và Việt Nam). Liên doanh này chọn khu Tây Bắc phát triển khu đô thị Celadon Cit​y vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng. Các dự án tập trung ở khu này gồm: Green Hills, Angia Garden, Chương Dương Garden, Phú Thạnh Apartment... cũng chào hàng rầm rộ.

Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Thăng Long, Lê Vũ Tuấn Anh nhận xét: "Dòng vốn lớn đang ồ ạt đổ vào các nút thắt giao thông trọng điểm của TP HCM có thể xem là cú hích cho nền kinh tế. Hạ tầng hoàn thiện cũng sẽ tạo nền móng vững chắc cho việc phát triển bất động sản".

Theo ông Tuấn Anh, hiện nay hạ tầng tuy không còn gây biến động giá nhà đất như 6-7 năm về trước nhưng nó vẫn là động lực hỗ trợ thị trường bất động sản ở khâu giãn dân ra khu vực ngoài trung tâm, tăng nguồn cung và tạo thêm nhiều sự lựa chọn. "Kết nối giao thông tốt còn xóa dần khoảng cách giữa khu trung tâm với ngoại thành, tránh xu được hướng đô thị hóa cục bộ", ông nói.

Chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC, Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: "Ước tính có khoảng hơn chục tỷ USD đã, đang và sẽ đầu tư vào hạ tầng TP HCM, tập trung mạnh mẽ ở khu Đông và Nam. Đây chính là chìa khóa then chốt để kích cầu cho nền kinh tế, từng bước tháo gỡ khó khăn cho bất động sản".

Ông Nghĩa đánh giá, thay vì cứu thị trường bất động sản bằng cách bơm tiền, có thể chọn giải pháp mềm dẻo và hợp lý hơn là rót vốn vào các công trình hạ tầng trọng điểm. Hiện nay các trục giao thông TP HCM đầu tư có xu hướng tỏa ra các đô thị vệ tinh liên vùng, kết nối hệ thống cảng và khu công nghiệp, hỗ trợ cho các trục giao thông huyết mạch. Điều này vừa giúp giải quyết ùn tắc giao thông, trung chuyển hàng hóa tốt hơn, vừa tăng giá trị thặng dư cho bất động sản và gián tiếp kích cầu cho thị trường này.

Chọn hạ tầng để kích cầu cho nền kinh tế rồi mượn cú hích này để tác động đến bất động sản là hướng giải quyết nhạy bén. "Doanh nghiệp địa ốc tranh thủ đua theo các công trình hạ tầng để phát triển dự án là cách đầu tư khôn ngoan. Mượn hạ tầng làm đòn bẩy để bán hàng đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng xu hướng này sẽ tăng mạnh mẽ trong tương lai", ông Nghĩa dự báo.

Trung Tín
Tags: Cỏ Nhân Tạo, Lưới Chắn Bóng, Trần Văn Sports

Read More...

Bất động sản du lịch nở rộ ở Phú Quốc

Từ khi Chính phủ đề xuất lên Bộ Chính trị thành lập Đặc khu kinh tế Phú Quốc, nhiều dự án bất động sản du lịch có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã được khởi động.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, sau khi Chính phủ đề xuất lên Bộ Chính trị thành lập Đặc khu kinh tế Phú Quốc, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng 4, 5 sao thậm chí 6 sao đã tập trung đầu tư vào đây, như dự án Vinpearl gần 4.000 tỷ đồng, 4.500 tỷ đồng từ CEO Group, 1.500 tỷ đồng từ Syrena Việt Nam, 3.200 tỷ đồng từ tập đoàn Nam Cường... Riêng trong quý III năm nay, tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 7 dự án với diện tích 67,11ha, điều chỉnh 6 giấy chứng nhận đầu tư, cấp mới 15 giấy chứng nhận với diện tích 480ha, tổng vốn 15.680 tỷ đồng.



Với lợi thế bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, Phú Quốc được kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực và thế giới. Ảnh: LT.


Ngoài ra, Phú Quốc đang phối hợp cùng đối tác đầu tư Singapore nghiên cứu, khảo sát đề xuất báo cáo các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại một số khu chức năng và xây dựng đảo Phú Quốc.

Tính đến nay, Phú Quốc đã thu hút 200 dự án đầu tư với tổng diện tích 8.768ha, trong đó, 112 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, diện tích 4.850ha, tổng vốn hơn 135.000 tỷ đồng. Hiện, đã có 18 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, 16 dự án đang triển khai xây dựng.

Bên cạnh phát triển hạ tầng, Phú Quốc còn tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch, giao thương bằng việc mở các đường bay thẳng quốc tế. Trong năm qua đường bay Phú Quốc-Nga đang duy trì ở mức ổn định với tần suất 7-12 chuyến mỗi tháng.

Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận cho Vietnam Airline mở đường bay mới là Phú Quốc-Singapore, Phú Quốc-Siêm Riệp. Theo đó, Phú Quốc-Singapore sẽ được khai thác từ 2/11 với tần suất 2 chuyến một tuần bằng máy bay A321. Ngoài ra, 2015 có thể sẽ mở thêm đường bay Phú Quốc-Hàn Quốc và các điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á.

Theo số liệu thống kê của huyện Phú Quốc, 9 tháng đầu năm vận chuyển hành khách đạt 7,37 triệu lượt, tăng 47,09% so với cùng kỳ. Trong đó: đường bộ 3,61 triệu lượt, tăng 70,24%; đường biển 2,98 triệu lượt, tăng 23,95%; hàng không 770 nghìn lượt, tăng 60,75% so với cùng kỳ.

Riêng 2013, lượng khách đến đây đạt 430.000 lượt, tăng 32% so với 2012, tổng thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 71 triệu đồng một năm, dự kiến năm 2014 tăng lên trên 80 triệu đồng.

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang cũng tiết lộ thêm, hiện có 3.000 lượt khách các nơi khác ra vào Phú Quốc bằng đường biển. Do vậy, tỉnh đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho quy hoạch xây dựng cảng biển quốc tế ở Phú Quốc, với công suất cập cảng khoảng 5.000 khách. Số vốn dự kiến ban đầu 1.520 tỷ đồng.


Chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư tại Phú Quốc

Đặc khu kinh tế Phú Quốc tương lai sẽ được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi về nguồn nhân lực, đầu tư, quản lý và sử dụng đất đai, thuế, quản lý xuất nhập cảnh...

Cụ thể, các dự án đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Phú Quốc sẽ được xem xét, phê duyệt với thủ tục đơn giản nhất kèm ưu đãi. Doanh nghiệp đầu tư tại đây 5 năm đầu được miễn thuế, 9 năm tiếp theo giảm 50% thuế đất. Thuế thu nhập cá nhân được giảm 50% theo mức thuế hiện hành. Còn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10%.

Riêng đối với khách nước ngoài đến Phú Quốc được miễn thị thực 30 ngày.

Read More...

Tiền đất tăng gấp đôi khiến địa ốc có nguy cơ bị 'thổi' giá

Việc tăng giá đất gấp đôi theo dự thảo nghị định quy định về khung giá đất năm 2015 được đánh giá có thể là 'đòn tâm lý' để đẩy giá địa ốc ở Hà Nội và TP HCM.

Theo dự thảo nghị định quy định về khung giá đất năm 2015 mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây, việc tăng giá đất gấp đôi, nhất là đất ở, đang được dư luận quan tâm.

Cụ thể, giá đất ở cao nhất áp dụng cho đô thị đặc biệt vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ dự kiến lên tới 162 triệu đồng một m2. Khung giá đất ở các đô thị hiện hành, giá tối thiểu là 1,5 triệu đồng một m2, tối đa là 67,5 triệu đồng một m2.

Như vậy, mức giá đất ở theo khung giá của dự thảo sẽ cao gấp hai lần so với mức trần hiện nay tại Hà Nội và TP HCM và cao gấp 2,4 lần so với khung giá đất hiện hành.



Theo dự thảo, giá đất ở cao nhất áp dụng cho đô thị đặc biệt vùng đồng bằng sông Hồng lên tới 162 triệu đồng một m2. Ảnh: CA.


Bình luận về dự thảo khung giá đất mới này trên báo chí, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS Phạm Sỹ Liêm nói: "Chỉ lo tăng giá bồi thường đất là không thích hợp".

Ông Liêm cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường không nên chỉ quản lý giá đất trong thị trường đất cấp một (chỉ có một bên cung là Nhà nước) mà còn phải chú trọng quản lý cả giá đất trong thị trường đất cấp hai, nơi các thành phần kinh tế giao dịch với nhau. Chính Bộ có quan điểm khung giá đất làm cơ sở cho bồi thường đất khi thu hồi đất phải dựa trên mặt bằng giá thị trường.

Như vậy, giá đất trong thị trường cấp một năm nay phải dựa vào giá đất trong thị trường cấp hai năm trước, mà giá này lại là giá cấp một năm trước nữa cộng với chi phí giao dịch và lợi nhuận (có tác động của quan hệ cung cầu và cơ chế cạnh tranh), trở thành vòng luẩn quẩn giá đuổi theo giá, khiến chỉ trong thời gian không lâu mà giá đất đô thị nước ta cao ngang ngửa với các nước phát triển.

“Để khắc phục nhược điểm này nên thực hiện chế độ dự trữ đất, tức là đối với đất đô thị sắp được phát triển theo quy hoạch thì chính quyền tạm ứng tiền hoặc vay ngân hàng hoặc vay Công ty tài chính quốc tế IFC hay vốn ODA để giải phóng mặt bằng trên diện tích lớn khi chưa có dự án, tiếp đó lập quy hoạch sử dụng đất cụ thể, phân thành các khu có chức năng sử dụng khác nhau như khu ở, khu kinh doanh, công viên trường học, đường xá…

Giá đất tùy theo đó mà có các mức khác nhau, chẳng hạn đối với đất không kinh doanh thì chỉ cần hòa vốn, đối với đất kinh doanh thì đấu giá để có tiền hoàn trả chi phí phát triển và trả nợ. Như vậy, thông qua chế độ dự trữ đất, chính quyền huy động được nguồn lực tài chính từ đất để phát triển đô thị”, TS Phạm Sỹ Liêm hiến kế.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch Tổng hội này, việc tăng giá cao nhất trong khung giá đất lên 162 triệu đồng một m2 (tương đương 8.000 USD một m2) khiến nảy sinh tình trạng có người lấy giá này làm cơ sở định giá bồi thường thu hồi đất giao cho các dự án đầu tư, để sau khi san đắp nền và xây qua loa một số hạ tầng rồi bán lại với giá cao hơn rất nhiều, kiếm được lợi nhuận lớn. Việc này sẽ làm cho chi phí phát triển hạ tầng và nhà ở đô thị trở nên đắt đỏ, còn nhà nước chỉ thu được không đáng kể qua tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

“Hiện nay nước ta chưa thu thuế nhà, còn thuế đất đối với đất ở đô thị thì chỉ thu theo khu vực, thuế đánh vào 1m2 đất của nhà có giá hàng trăm tỷ đồng cũng chẳng khác gì đối với nhà chỉ một tỷ đồng là không công bằng, vì nhà sang trọng được hưởng nhiều dịch vụ hạ tầng đô thị tốt hơn và có cảnh quan đẹp hơn mà Nhà nước đã bỏ nhiều tiền đầu tư”, ông Liêm nói thêm.

Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tăng giá là bước đi tốt bởi trước đây, khung giá đất ở chỉ có 60 triệu đồng một m2, Hà Nội và TP HCM cao nhất cũng chỉ đưa lên 86 triệu một m2, vì địa phương có thể đưa vượt giá trần khoảng 20%.

Ông cho rằng, nếu khung giá đất vẫn chỉ giữ ở mức 60 triệu đồng một m2 sẽ dẫn tới bi kịch. Ví dụ với một dự án ở Hàng Bài (Hà Nội), người dân đòi 700 triệu một m2 trong khi khung giá của Hà Nội chỉ có 86 triệu một m2 và khung giá của chính phủ chỉ có 61 triệu đồng một m2.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đưa khung giá là 165 triệu một m2, nhưng ở các địa phương sẽ chỉ đưa lên đến 200 triệu là cùng. Nếu mức giá đưa ra là 200 triệu trong khi thực tế là 500 triệu thì chắc bên thiệt thòi là nhà nước, vì nhà nước bị thất thu. Thuế được thu theo bảng giá này. Đây là một bước đi tiệm cận với giá thực tế, giá đất phải cao hơn, cỡ 500 triệu ở những nơi giá cao nhất. Vài năm nữa lại tăng cao hơn nữa, tiệm cận bước nữa để tránh sốc giá”. GS. Võ bình luận.

Trong khi đó, giới kinh doanh bất động sản đang hết sức lo ngại trước dự thảo này, bởi lẽ, nếu khung giá đất này được áp dụng, một mặt bằng giá mới cho thị trường bất động sản, chắc chắn sẽ hình thành. Và như thế, thị trường bất động sản vốn đang khó, sẽ lại càng khó khăn hơn.

Hiện nay, tình trạng nợ tiền sử dụng đất khá phổ biến. Chỉ riêng tại TP HCM vẫn còn trên 400 trường hợp chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, với số tiền hơn 6.300 tỷ đồng. Trong bối cảnh sức mua của thị trường bất động sản còn đang rất hạn chế như hiện nay, việc khung giá đất tăng tối đa lên gấp đôi sẽ khiến cho số tiền mà chủ đầu tư phải bỏ ra để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước đội lên đáng kể.

Theo giới kinh doanh bất động sản, hiện tiền sử dụng đất đối với chung cư bình dân chiếm khoảng 15-25% chi phí. Với loại hình chung cư cao cấp, nhà biệt thự, số tiền này sẽ tăng lên đáng kể, có thể chiếm tới 50-70%. Do vậy, khung giá đất đối với Hà Nội và TP HCM tăng lên gấp đôi, sẽ khiến cho giá các sản phẩm tới tay người mua nhà bị tăng cao.

Thực tế, những dự án đang bán được lúc này chủ yếu ở phân khúc trung bình và người mua là những người thực sự có nhu cầu về nhà ở. Do vậy, mức tăng giá 30 - 40% ở những dự án hiện được coi là vừa túi tiền như thế trong tương lai sẽ không còn vừa túi tiền nữa.

Tuy nhiên, theo nhiều "cò" đất tại Hà Nội, việc tăng giá đất gấp đôi này sẽ là "đòn tâm lý" khiến cho giá đất tại Hà Nội và TP HCM tăng mạnh, người mua sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Khung giá đất tăng sẽ khiến cho nhiều loại đất ở tăng, giá đất tại Hà Nội và TP HCM vốn đã cao "ngất ngưởng", nay khung giá đất tăng, chắc chắn sẽ làm giá đất tiếp tục bị đẩy lên cao, cơ hội sở hữu nhà đất của người dân sẽ lại khó "với" tới hơn.

Read More...

Phí mặt bằng bóp nghẹt doanh nghiệp bán lẻ

Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí cho mặt bằng tại TP HCM và Hà Nội chiếm 30-38% tổng doanh thu ngành bán lẻ, gấp 2-3 lần so với nhiều nước.

Tại Diễn đàn CEO Forum năm 2014, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: "Trong ngành bán lẻ, cạnh tranh về mặt bằng là khốc liệt nhất. Điều đáng ngại là hiện nay chi phí này tại Việt Nam đang chiếm tỷ lệ ngất ngưởng, lên đến 30-38% trên tổng doanh thu bán lẻ trong khi ở nhiều nước tỷ lệ này chỉ dừng lại ở 10-12%".

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn phân tích, chi phí thuê mặt bằng trong nước quá cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khiến cho năng lực cạnh tranh của công ty nội địa bị sụt giảm khi đất nước hội nhập sâu rộng hơn. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô trung bình tại Việt Nam không thể chi trả những khoản phí cao để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi. Họ bị lép vế so với các đối thủ quốc tế, hầu hết đều là những nhà bán lẻ danh tiếng, giàu kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vững mạnh hơn.

Ông trùm hàng hiệu Việt Nam lý giải, một trong những nguyên nhân dẫn đến các chuỗi ăn uống và bán lẻ nội địa bị lép vế hơn so với hầu hết các chuỗi của nước ngoài phần lớn cũng vì phí mặt bằng. Bài toán hiện nay là các thương hiệu Việt Nam thường chưa định vị và định lượng được tất cả các chi phí của một suất đầu tư. Cách kinh doanh của họ là lấy công làm lời, tìm mặt bằng giá rẻ để tiết kiệm chi phí hoặc tận dụng mặt bằng sẵn có của gia đình. Họ có thể thành công một hai cửa hàng nhưng không thể phát triển thành chuỗi lớn, vì lúc đó chi phí mặt bằng sẽ ăn hết doanh thu và lợi nhuận.



Theo các nhà bán lẻ, giá thuê mặt bằng tại Việt Nam tuy thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng chi phí này lại chiếm hơn 30% trên tổng doanh thu của ngành này. Ảnh: Vũ Lê


"Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp thà bỏ chi phí cao thuê mặt bằng đẹp để có cơ hội tăng doanh số còn hơn chọn mặt bằng rẻ nhưng không thuận lợi bán buôn để rồi sụt giảm doanh thu và đối mặt với nguy cơ thua lỗ", ông Johnathan Hạnh Nguyễn giải thích.

Cũng gặp phải khó khăn với bài toán mặt bằng, giám đốc một công ty kinh doanh thời trang phân khúc trung cấp tại TP HCM tiết lộ: "Chúng tôi đã hoạt động được 10 năm và có gần chục cửa hàng nhưng vẫn cảm thấy chưa yên tâm. Chi phí mặt bằng chiếm phần lớn trên tổng doanh thu là rào cản vì khó mở thêm chi nhánh".

Vị này cho hay, ông hầu như chưa dám nghĩ đến việc đưa thương hiệu của mình vào những trung tâm thương mại danh tiếng, càng không dám chọn những gian hàng có vị trí đắc địa để mở chi nhánh vì chắc chắn không kham nổi khoản kinh phí khổng lồ này. "Chúng tôi vấp phải thách thức là muốn mở rộng quy mô để tìm nhiều cơ hội hơn nhưng luôn bị bài toán mặt bằng làm đau đầu", ông bộc bạch.

Quản lý chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh, tiệm bánh, quán cà phê Chewy Junior, Chủ tịch Công ty cổ phần Khuôn Việt, Mai Trường Giang chia sẻ: "Trong hệ thống của tôi, chi phí cho mặt bằng bán lẻ chiếm trung bình 25-30% trên tổng doanh thu. Đây là khó khăn lớn nhất cản trở đà tăng trưởng của các doanh nghiệp có tham vọng phình to chuỗi bán lẻ".

Ông Giang ví dụ, một cửa hàng Chewy Junior ở khu trung tâm Singapore diện tích 15m2, giá thuê một tháng 10.000 USD nhưng doanh thu có thể đạt tới 100.000 USD mỗi tháng. Trong trường hợp này, giá thuê mỗi m2 mặt bằng ở Singapore là gần 6.700 USD/tháng, tuy cao hơn Việt Nam hàng chục lần (100-200 USD mỗi m2 một tháng tại khu vực trung tâm) nhưng chỉ chiếm 10% trên tổng doanh thu.

Chủ tịch Khuôn Việt giải thích, nghịch lý nằm ở chỗ giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam không cao bằng các nước khác nhưng chi phí cho mặt bằng trên tổng doanh thu thì lại chiếm tỷ lệ trên 30%. Nguyên nhân là do sức mua của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng yếu trong những năm qua.

Theo ông Giang, mặt bằng bán lẻ là nhà phố tại TP HCM (không tính các trung tâm thương mại) hầu như không giảm trong giai đoạn thị trường bất động sản khủng hoảng. Thậm chí, với lý do trượt giá chủ nhà vẫn tăng ít nhất 10% mỗi năm, chính điều này đã đẩy chi phí thuê chiếm 30-50% doanh thu bán lẻ. "Điểm bất hợp lý này có thể đánh gục những doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa có tiềm lực hạn chế trong bối cảnh khối ngoại đang xâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng sâu rộng", ông Giang cảnh báo.

Read More...

Lỗ bạc tỷ vì nhà đất có phong thủy xấu

Ông Hùng ngụ quận 7, TP HCM sở hữu mảnh đất hơn 300 m2 trị giá gần 4 tỷ đồng, đến lúc rao bán ông lại bị ép giá vì lỗi phong thủy, phải chịu lỗ tiền tỷ.

Mảnh đất này ông Hùng mua từ trước khi thị trường địa ốc nóng sốt, tọa lạc trên đường Huỳnh Tấn Phát, hẻm xe hơi vào được tận nơi. Song, khi rao bán thì khách hàng chê miếng đất không vượng phát, đặc biệt là nằm đối diện với chùa, nên ngã giá quá thấp. Vì tiếc rẻ nên chủ đất này không bán.

Ông Hùng sau đó đã bỏ thêm chi phí để tách mảnh đất thành 3 thửa, nhưng cuối cùng suất đầu tư này vẫn bị lỗ. Chỉ có thửa thứ nhất nằm chếch khỏi cổng chùa là bán được giá gần 2 tỷ đồng. Hai thửa đất còn lại nằm đối diện với ngôi chùa, ông phải bán lỗ. "Phần vì thị trường nhà đất vẫn còn khó khăn, xu thế giảm giá vẫn âm ỉ, phần vì khách bắt thóp, nắm được điểm yếu của mảnh đất này nên gia chủ đành bấm bụng chịu lỗ", một nhân viên môi giới khu đất này cho hay.

Tương tự, bà Bích Ngân là tiểu thương buôn vải, quần áo ở chợ Tân Định tậu căn nhà phố 2 tỷ đồng trên đường Trần Văn Đang, quận 3, TP HCM cách đây 2 năm cũng vừa bán nhà lỗ vì lỗi phong thủy. Bà Ngân ban đầu chỉ định mua để dành làm tài sản cho con cái. Thế nhưng, đến quý III/2014, vì cần vốn đầu tư, bà rao bán tài sản thì bị ép giá xuống gần nửa tỷ đồng. "Cò đất bảo nhà nằm ngay ngã ba, xung khí, nở đầu hẹp đuôi vào thế đầu voi đuôi chuột. Nếu không giảm giá thì không bán được. Tôi cần tiền gấp nên đành chịu lỗ", bà Ngân kể.

Vị tiểu thương này bộc bạch, bà chuyên kinh doanh quần áo, vải vóc và không am hiểu gì về nhà đất. Khi đi xem nhà, bà chỉ quan tâm hướng cửa, hướng bếp chứ không để ý đến ngã ba hay diện tích mặt tiền cửa trước và cửa sau. "Tôi không ngờ các tiểu tiết bé tí mà lại gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng ", bà Ngân nói.



Với nhà dự án, căn nằm ở ngã ba giá rẻ hơn các căn khác vì xung khí, còn nhà phố nếu bị đầu voi đuôi chuột, nằm đối diện chùa chiền, cạnh cây đa cây đề, bụi tre lâu năm cũng khó bán hoặc bị mất giá. Ảnh: Hoàng Lan

Trong khi đó, một nhà đầu tư địa ốc ở Hà Nội tên Hoàng Phương cho hay, chị đang sống dở chết dở vì mãi không bán được căn nhà cũng do lỗi phong thủy. Mua hơn 250 m2 đất tại phố Khương Trung cũ (trước kia là làng), chị chia làm 4 mảnh sau đó xây nhà để bán. Đầu tư tiền tỷ để xây nhà kèm nội thất đầy đủ, song chị chỉ bán được 3 căn đầu hồi, còn căn cuối gần bụi tre mãi không bán được. “Căn cuối cùng ở ngõ cụt, nhiều người không muốn mua mặc dù tôi đã giảm giá”, chị cho hay.

Chị Phương chia sẻ, khu đất này chị mua từ cách đây gần chục năm, sau này khi bất động sản sôi động mới xây nhà để đầu tư bán lại. Tại thời điểm chị mua, cũng ít ai để ý đến phong thủy, giá cũng không quá cao. “3 căn kia tôi đã bán từ năm ngoái với giá gần 3 tỷ đồng, nhưng căn cuối cùng dù trang bị nội thất xịn mà mãi không có ai mua”, chị tiết lộ.

Theo ông Vũ Đình Trung, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản VietHomes trên thực tế, do nhà cửa là tài sản lớn nên nhiều người kỹ tính thường xem phong thủy kỹ lưỡng trước khi bỏ tiền tỷ đi mua. Ông tiết lộ, bản thân mình từng chứng kiến nhiều khách mua nhờ chuyên gia trong lĩnh vực phong thủy đến xem từng căn hộ trước khi xuống tiền. Và rất nhiều trường hợp khách đã từ chối khi phong thủy không hợp. Dĩ nhiên, chuyện địa ốc tăng giá nhờ đắc địa, vị trí đẹp, thuận tiện đi lại không hiếm. Ngược lại, cũng có khu đất ế ẩm, thua lỗ vì phong thủy xấu.

Phong thủy thuộc về khoa học, do đó, ngay cả chủ đầu tư cũng rất quan tâm và thận trọng trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Theo ông Trung, đây là vấn đề rất tế nhị nên dù nhiều doanh nghiệp thuê thầy về xem phong thủy nhưng ít ai dám tiết lộ. Ngoài nghiên cứu kỹ về thị trường, lợi thế cạnh tranh, chủ đầu tư còn xem cả tuổi, hướng, mạch đất…

Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phong thủy ở Hà Nội cho hay, khách thường kiêng kị không mua nhà gần cây đa, cây đề, bụi tre, các công trình đối diện điện thờ, miếu thờ chùa chiền, đường đi đâm thẳng vào cửa chính… Ngoài ra, nhà cạnh kênh mương cũng chưa hẳn là tốt, tuy nhiên còn phụ thuộc nhiều vào hướng dòng chảy, mệnh gia chủ…

Giám đốc kinh doanh hệ thống sàn giao dịch ACBRS, Ngô Đình Hãn cho biết: "Đúng là phong thủy có tác động đáng kể lên giá trị bất động sản, đã có những trường hợp tài sản giá trị cao vì lỗi phong thủy nên rớt giá hơn 10%. Trong quá trình thương thảo, nếu nhà đất bị bắt lỗi phong thủy đa phần đều phải hạ giá".

Tuy nhiên ông Hãn cho rằng không phải lúc nào phong thủy xấu cũng khiến gia chủ thua lỗ nặng. Vẫn có trường hợp gia chủ có thể chỉnh sửa lại những lỗi này, cũng không loại trừ điều kiêng kỵ của khách hàng này lại không gây trở ngại đối với khách hàng kia. Song, nếu gặp trục trặc về phong thủy thì thời gian giao dịch sẽ kéo dài hơn.

Giám đốc Công ty Không Gian Hoàn Hảo, Phạm Ngọc Thiên Ân nhận xét: "Với người làm thiết kế, chúng tôi quan tâm đến phong thủy cơ bản theo tuổi của gia chủ hoặc phải có hướng dẫn cụ thể. Còn những phạm trù chuyên sâu về lĩnh vực này, chỉ có người nghiên cứu mới đánh giá được".

Tuy nhiên, theo ông Ân, khảo sát nhóm khách hàng của doanh nghiệp, cứ 100 người thì có 99 người có nhu cầu liên quan đến vấn đề này. Đặc biệt, gia chủ là đại gia hoặc nhà đất giá trị lớn thì mức độ quan tâm đến phong thủy nhiều hơn.

Vũ Lê - Hoàng Lan
Tags: Cỏ Nhân Tạo, Lưới Chắn Bóng, Trần Văn Sports

Read More...